Lọc màng bụng (LMB) là một phương pháp điều trị thay thế thận tại nhà thường được áp dụng cho trẻ em bị suy thận mạn giai đoạn cuối vì tính đơn giản, thuận tiện. Phương pháp này người bệnh có thể tự thực hiện tại nhà đảm bảo được nhu cầu học tập đến trường của trẻ, bố mẹ chủ động về thời gian nên vẫn duy trì được công việc làm, hiệu quả lọc tốt. Bên cạnh các ưu điểm thì biến chứng thường gặp và là nguyên nhân chính gây thất bại của phương pháp lọc màng bụng là viêm phúc mạc. Việc xử trí đúng tại nhà của gia đình người bệnh khi các bộ phận vô trùng bị nhiễm bẩn sẽ góp phần giảm đáng kể tỷ lệ viêm phúc mạc, hạn chế thời gian nằm viện. Do đó, thường xuyên cập nhật kiến thức xử trí khi bộ phận vô trùng bị nhiễm bẩn đối với gia đình người bệnh là vô cùng cần thiết.
I/ Các bộ phận vô trùng
1/ Bộ chuyển tiếp
2/ Ống thống Tenkoff
3/ Đầu nối với người bệnh.
4/ Dịch lọc màng bụng
5/ Nắp đậy minicap
II/ Các vấn đề thường gặp dẫn đến nhiễm bẩn bộ phận vô trùng
1/ Rơi bộ chuyển tiếp
Xử trí:
- Kẹp lại ống thông.
- Băng kín đầu nối titanium bằng gạc vô khuẩn có tẩm betadin 1%.
- KHÔNG lắp lại bộ chuyển tiếp.
- Đến bệnh viện ngay.
Phòng ngừa:
- Thường xuyên kiểm tra và vặn chặt lại bộ chuyển tiếp.
- Dặn trẻ không tự ý vặn các vị trí kết nối.
2/ Ống thông Tenkoff hoặc bộ phận chuyển tiếp bị rách rỉ dịch:
Xử trí:
- Ngay lập tức đóng khóa xoay trắng trên bộ chuyển tiếp.
- Kẹp ống thông Tenkoff hoặc bộ chuyển tiếp ngay phía trên vị trí xác định bị thủng (có thể sử dụng kẹp thay dịch hoặc kẹp catheter).
- Tuyệt đối dừng thay dịch cho đến khi được nhân viên y tế xử lý an toàn.
- Báo cho điều dưỡng phụ trách và đến bệnh viện ngay.
Phòng ngừa:
- Tránh xoắn gập hoặc đè lên ống thông, bộ chuyển tiếp.
- Thường xuyên kiểm tra hệ thống dây ống thông và bộ chuyển tiếp.
3/ Sờ chạm vào đầu nối của bộ phận chuyển tiếp:
Xử trí:
- DỪNG thay dịch.
- Dùng ngay nắp đậy (minicap) mới.
- Báo cho điều dưỡng phụ trách và đến bệnh viện
Phòng ngừa:
- Rửa tay đúng quy trình.
- Nơi thay dịch phải có đủ ánh sáng.
- Tập trung khi thực hiện bước kết nối và tháo kết nối.
4/ Sờ chạm vào đầu kết nối với người bệnh:
Khi thao tác thay dịch chạm tay vào hoặc làm rơi dẫn đến nhiễm bẩn đầu dây kết nối của túi dịch vào người bệnh.
Xử trí:
- Không sử dụng các vật dụng này.
- Bỏ đi và thay thế bằng túi dịch lọc màng bụng khác.
Phòng ngừa:
- Rửa tay đúng quy trình.
- Nơi thay dịch phải có đủ ánh sáng.
- Tập trung khi thực hiện bước kết nối và tháo kết nối.
5/ Hệ thống túi dịch lọc màng bụng bị rò rỉ trước khi kết nối:
Xử trí:
- Không sử dụng túi dịch lọc màng bụng này.
- Bỏ đi và thay thế bằng túi dịch lọc màng bụng khác.
Phòng ngừa:
- Bảo quản túi dịch lọc màng bụng đúng quy định, tránh để vật sắc nhọn xung quanh.
- Tránh đổ rơi thùng dịch lọc màng bụng.
6/ Hệ thống túi dịch lọc màng bụng bị rò rỉ trong quá trình thay dịch:
Xử trí:
- Ngay lập tức đóng khóa xoay trắng trên bộ chuyển tiếp.
- Dừng quy trình thay dịch và thay nắp đậy mới .
- Báo cho nhân viên y tế nơi quản lý bệnh nhân lọc màng bụng.
Phòng ngừa:
- Kiểm tra kĩ hệ thống túi dịch lọc màng bụng trước khi kết nối
- Trong quá trình thay dịch tránh tác động các vật sắc nhọn đến hệ thống túi dịch.
Trên đây là những kiến thức cơ bản chúng tôi muốn gửi gắm tới người bệnh, gia đình người bệnh và hy vọng rằng các bệnh nhi sẽ được duy trì điều trị bằng phương pháp này trong thời gian lâu nhất có thể.
CNDDCKI. Nguyễn Thị Diệu Thúy, CNDD Phạm Thị Thu Hiền
Khoa thận và Lọc máu
Phòng Thông tin điện tử – Viện ĐT&NCSKTE